Tăng vốn điều lệ công ty cổ phần có 3 cách: chào bán cổ phần, phát hành trái phiếu, trả cổ tức bằng cổ phần
Hãy cùng đọc chi tiết các cách dưới đây về việc làm tăng vốn Điều lệ công ty cổ phần
1. Làm tăng vốn Điều lệ công ty cổ phần gồm: 03 cách
Cách 1: Chào bán cổ phần.
Chào bán cổ phần là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán các cổ phần đó trong quá trình hoạt động.
Chào bán cổ phần có thể thực hiện theo một trong các hình thức:
- Chào bán cho các cổ đông hiện hữu;
Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là trường hợp công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ tại công ty
- Chào bán ra công chúng;
Chào bán cổ phần ra công chúng được thực hiện theo các quy định của pháp luật về chứng khoán.
- Chào bán cổ phần riêng lẻ.
Cách 2: Tăng vốn Điều lệ công ty cổ phần bằng cách chuyển đổi trái phiếu đã phát hành thành cổ phần.
Trường hợp công ty cổ phần phát hành trái phiếu chuyển đổi thành cổ phần để thực hiện tăng vốn Điều lệ công ty thì thực hiện theo trình tự, thủ tục tương ứng chào bán cổ phần.
Cách 3: Thực hiện trả cổ tức bằng cổ phần
Trường hợp này công ty thực hiện thủ tục chào bán cổ phần mà phải đăng ký tăng vốn Điều lệ tương ứng với tổng giá trị mệnh giá các cổ phần dùng để chi trả cổ tức
2. Thủ tục chào bán cổ phần
Chào bán cho các cổ đông hiện hữu
- Công ty phải thông báo bằng văn bản đến các cổ đông theo phương thức bảo đảm đến được địa chỉ thường trú hoặc địa chỉ liên lạc của họ trong sổ đăng ký cổ đông chậm nhất 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn đăng ký mua cổ phần;
- Kèm theo thông báo phải có mẫu phiếu đăng ký mua cổ phần do công ty phát hành. Trường hợp phiếu đăng ký mua cổ phần không được gửi về công ty đúng hạn như thông báo thì cổ đông có liên quan coi như đã không nhận quyền ưu tiên mua. Cổ đông có quyền chuyển quyền ưu tiên mua cổ phần của mình cho người khác.
- Trường hợp số lượng cổ phần dự kiến chào bán không được cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua đăng ký mua hết thì Hội đồng quản trị có quyền bán số cổ phần được quyền chào bán còn lại đó cho cổ đông của công ty hoặc người khác theo cách thức hợp lý với điều kiện không thuận lợi hơn so với những điều kiện đã chào bán cho các cổ đông, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có chấp thuận khác hoặc cổ phần được bán qua Sở giao dịch chứng khoán.
Chào bán cổ phần riêng lẻ
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định chào bán cổ phần riêng lẻ, công ty phải thông báo việc chào bán cổ phần riêng lẻ với Cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Kèm theo thông báo chào bán cổ phần riêng lẻ phải có:
· Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông về chào bán cổ phần riêng lẻ;
· Phương án chào bán cổ phần riêng lẻ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua (nếu có).
- Công ty có quyền bán cổ phần sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày gửi thông báo mà không nhận được ý kiến phản đối của Cơ quan đăng ký kinh doanh;
Chào bán cổ phần ra công chúng
- Công ty gửi hồ sơ đăng ký chào bán tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
- Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được thông báo hồ sơ hợp lệ của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Công ty gửi Bản cáo bạch tới Ủy ban chứng khoán Nhà nước để hoàn tất thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chứng;
- Sau đó công ty đăng thông báo phát hành chứng khoán trên báo điện tử có phạm vi toàn quốc trong 03 số liên tiếp (thời hạn tối thiểu là 07 ngày) kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán có hiệu lực;
- Công ty bắt đầu chào bán và chuyển tiền vào tài khoản phong tỏa đã được mở;
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, Công ty phải gửi báo cáo kết quả đợt chào bán cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và xác nhận của ngân hàng nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được từ đợt chào bán.
3. Hoạt động sau chào bán cổ phần
- Tăng vốn Điều lệ làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, do đó công ty phải thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
- Sau khi thay đổi vốn Điều lệ, công ty phải thực hiện công bố thông tin này trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
- Vốn điều lệ của doanh nghiệp còn ảnh hưởng đến mức thuế môn bài của doanh nghiệp, do đó khi doanh nghiệp có tăng vốn điều lệ cần lưu ý về mức đóng thuế môn bài.
Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi có nhu cầu tăng rất đơn giản. Nếu công ty đáp ứng về thời hạn và phương thức góp vốn thì công ty muốn tăng vốn khi nào cũng được. Nhưng việc giảm vốn Điều lệ lại được quy định rất phức tạp, quy trình thực hiện sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Do đó, công ty nên đặc biệt thận trọng!
Nhận xét
Đăng nhận xét